Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những sai phạm trong hoạt động báo chí trong đó có việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của báo, tạp chí điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí 2016 để rà soát, tập hợp vướng mắc, bất cập để sửa đổi Luật Báo chí. Từ đó, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Báo chí năm 2016, trong đó quy định rõ báo điện tử và tạp chí điện tử và những vấn đề khác liên quan.
Ngày 07/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; trong đó sẽ có hình thức xử lý nghiêm hơn, áp dụng cả hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí từ 01 - 12 tháng đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong Giấy phép hoạt động báo chí.
1. Việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền cơ quan chủ quản báo chí.
Khi thay đổi Tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí có văn bản kèm hồ sơ gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương để thống nhất ý kiến theo quy định.
Sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ quản báo chí thực hiện bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí .
Đối với việc bổ nhiệm Phó Tổng biên tập, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương cho ý kiến.
2. Trong thời gian lựa chọn nhân sự, thực hiện quy trình bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản có thể phân công người phụ trách để bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí.
Trường hợp người phụ trách, Phó Tổng biên tập phụ trách, chịu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, trong thời gian dài cần có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.